Thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông ở Phần Lan

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông (ylioppilastutkinto – tiếng Phần Lan, matriculation examination – tiếng Anh) là cuộc thi quốc gia quan trọng trong hệ thống giáo dục (từ lớp 1 đến đại học) và là kỳ thi duy nhất trong 10 năm học phổ thông ở Phần Lan từ trước đến nay[1].

Kỳ thi này vốn là cuộc thi nhằm tuyển chọn sinh viên vào học ở trường đại học Helsinki, được tổ chức lần đầu tiên năm 1852. Khi đó yêu cầu của cuộc thi này là đánh giá trình độ kiến thức văn hóa đã học và trình độ tiếng La tinh của các thí sinh. Ngày nay, hình thức này đã được thay đổi thành cuộc thi nhằm đánh giá thí sinh đã lĩnh hội đủ kiến thức và trình độ theo chương trình giáo dục trung học phổ thông để được công nhận tốt nghiệp bậc giáo dục này hay chưa và cho phép thí sinh được vào thẳng hoặc dự tuyển vào các trường đại học.

Kỳ thi này được tổ chức tại các trường trung học phổ thông nhưng do một ban chuyên trách chịu trách nhiệm ra đề thi và chấm thi trong phạm vi toàn quốc. Ban chuyên trách này gồm 30 thành viên do Bộ giáo dục tuyển chọn dựa vào đề cử của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và của Ban Giáo dục quốc gia (OPH). Giúp việc cho ban chuyên trách này, hiện nay có 300 thành viên đại diện cho các bộ môn khác nhau có liên quan trong kỳ thi. Bên cạnh ban chuyên trách, có một ban thư ký gồm 20 người chịu trách nhiệm về những vấn đề kỹ thuật.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu trong cùng một thời gian trên cả nước. Thời gian tối đa cho phép thí sinh hoàn thành tất cả các môn của cuộc thi này để được công nhận là 3 kỳ thi liên tiếp nhưng họ cũng có thể giành được chứng chỉ này chỉ qua một kỳ thi.

Nội dung của kỳ thi bao gồm ít nhất bốn môn thi dưới hai hình thức bắt buộc và tự chọn:

  1. Tiếng mẹ đẻ:là môn thi bắt buộc đối với mọi thí sinh. Ba môn thi bắt buộc khác thí sinh được chọn từ các môn:
  2. Ngôn ngữ quốc gia thứ hai,
  3. Một ngoại ngữ,
  4. Một bài thi toán và bài thi đại cương.

Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm một hoặc một số bài thi tự chọn khác. Bài thi các môn toán và ngoại ngữ được đưa ra theo hai trình độ: cơ sở (basis) và nâng cao (advanced). Còn bài thi môn ngôn ngữ quốc gia thứ hai được ra theo hai mức nâng cao và trung bình (intermediate). Thí sinh được quyền lựa chọn các bài thi theo một trong hai trình độ này không tính đến việc họ đã học ở trường trung học phổ thông hay chưa. Tuy nhiên, thí sinh bắt buộc phải qua được ít nhất một bài thi ở trình độ nâng cao và có thể chỉ làm bài thi ở một trình độ của một môn thi trong một lần thi. Hiệu trưởng của các trường trung học phổ thông có nhiệm vụ xác định các thí sinh đăng ký cuộc thi có hội đủ tiêu chuẩn để được dự thi hay không.

Môn thi tiếng mẹ đẻ bao gồm: tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển và tiếng Saame. Thí sinh sẽ thi một trong các thứ tiếng đó tùy theo tiếng nào là tiếng mẹ đẻ của mình. Môn thi này gồm hai bài thi: chọn và viết một bài luận về một đề tài đã được học và bài thi trắc nghiệm về ngôn ngữ mẹ đẻ[2]. Điểm thi của thí sinh sẽ lấy theo bài có điểm cao hơn từ một trong hai hình thức thi này.

Môn Ngôn ngữ quốc gia thứ hai và Ngoại ngữbên cạnh hình thức viết còn có thêm hình thức nghe và đọc hiểu. Đối với các thí sinh mà tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Phần Lan, tiếng Thụy Điển hay tiếng Saame thì có thể thi tiếng mẹ đẻ của mình thay cho môn Ngôn ngữ quốc gia thứ hai (chẳn hạn: như tiếng Việt, nếu người chấm đảm bảo chất lượng môn đó). Đặc biết, tiếng Saame là một ngôn ngữ mẹ đẻ của khoảng hơn 1 ngàn người nói với 3 phương ngữ, song cũng được thi như tiếng mẹ đẻ của người Phần Lan và người Thụy Điển.

Trong bài thi toán, thí sinh cần phải trả lời 10 câu hỏi. Còn bài thi Đại cương bao gồm những câu hỏi liên quan đến tôn giáo, dân tộc, tâm lý, thần học, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học và địa lý. Bài thi cũng có thể bao gồm những câu hỏi liên quan đến những lĩnh vực khác do Ban giáo dục quy định.

Thi lại: Thí sinh trượt một bài thi bắt buộc có thể thi lại hai lần trong vòng ba kỳ thi liền nhau ngay sau lần thi mình bị trượt, đồng thời có thể thay đổi trình độ của bài thi. Thí sinh trượt bài thi tự chọn có thể thi lại hai lần không bị giới hạn bởi thời gian như các bài thi bắt buộc. Nếu trong thời gian cho phép nói trên thí sinh không hoàn thành được cuộc thi thì phải thi lại toàn bộ các môn.

Bằng chứng nhận: Thí sinh sẽ được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sau kỳ thi nếu tất cả các bài thi bắt buộc và tự chọn đạt điểm quy định. Bằng chứng nhận sẽ ghi các điểm và trình độ của các bài thi đạt được của tất cả các bài thi. Riêng đối với môn toán, điểm tối đa của bài thi và điểm thí sinh đạt được đều được ghi rõ (ví dụ: 38/60). Còn đối với bài thi Đại cương, cùng với điểm đạt được, tên môn thi và số câu trả lời được cũng được ghi trong bằng chứng nhận. Với những thí sinh hoàn thành kỳ thi vào những lần khác nhau, thời gian của những lần đó cũng được ghi vào trong bằng chứng nhận.

Bằng chứng nhận điểm thi của kỳ thi này rất quan trọng trong việc tiếp tục học lên hay đi tìm việc và cả trong suốt cuộc đời của người được nhận. Chiếc mũ trắng mà thí sinh nhận được sau khi tốt nghiêp kỳ thi (phải nộp tiền) là một niềm tự hào của các thí sinh trong suốt cuộc đời của họ. Cứ đến ngày 1.5, ngày hội mùa xuân và của người lao động, tất cả mọi người sở hữu chiếc mũ này đều mang ra đội và đi diễu hành hay gặp gỡ nhau trong các cuộc liên hoan, hội thảo. Nhiều cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan, các ứng cử viên phải xuất trình và công khai bảng điểm các môn trong kỳ thi này.

             Học sinh lớp 09IB trường Ressu (Helsinki) sau lễ tốt nghiệp trung học phổ thông 2012

Tất cả những thông tin về kỳ thi ngày nay được công bố bằng 3 thứ tiếng: Phần Lan, Thụy Điển và tiếng Anh tại website: http://www.ylioppilastutkinto.fi/. Riêng danh sách các thí sinh trúng tuyển trong hai mùa thi trong toàn quốc còn được công bố trên tờ Helsingin sanomas – Nhật báo lớn và có uy tín nhất của Phần Lan.

Võ Xuân Quế

Trích từ: Phần Lan – Ngôi sao Phương Bắc, Nhà xuất bản Thế giới và VivaFin, Hà Nội 2017 (Xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung),

_________

[1] Trong bản dịch “Bài học Phần Lan Finnish Lessons 2.0 – Chúng ta có thể học được gì từ cải cách giáo dục Phần Lan’, Nhà xuất bản thế giới 2016, Cuộc thi này đã bị dịch sai thành “Kỳ thi tuyển sinh Đại học” ở tất cả những chỗ có nói đến từ này (các tr. 55, 85,86, 96-100). Đây là một sai sót rất đáng tiếc vì đây là kỳ thi lâu đời, quan trọng và duy nhất của hệ thống giáo dục Phần Lan. Còn thi đại học chỉ do các trường ĐH tự quyết định, có trường thi, có trường không thi mà chỉ lấy điểm thi của kỳ thi này và điểm các môn ở trung học phổ thông (10-12).

[2] Từ  năm 2007, môn thi tiếng mẹ đẻ sẽ tăng thêm thời gian (mỗi bài thi sẽ kéo dài 6 tiếng). Riêng bài thi trắc nghiệm sẽ có thay đổi cả về nội dung.

Nguồn: Vivafin

Du học Anh Quốc

bạn cần tư vấn?

Đừng ngần ngại, hãy đăng ký ngay để được TEC hỗ trợ hoàn toàn miễn phí nhé!