Xin chào mọi người! Mình là Quý, học sinh của TEC. Hiện tại, mình đang theo học thạc sĩ ngành “Interactive Digital Media” tại Griffith College Dublin, Ireland.
Chương trình thạc sĩ ngành Truyền thông Kỹ thuật số (hệ fulltime) này kéo dài 1 năm. Lộ trình học bao gồm 8 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn và một đồ án nhóm để tốt nghiệp. Khoá học được chia làm 2 học kỳ. Mỗi học kỳ học 5 năm.

Quý – Học sinh TEC tại cổng trường Griffith College Dublin
-
THỜI GIAN HỌC TRÊN LỚP
Mỗi môn có 1 buổi học lý thuyết/ tuần, khoảng 1.5-2 tiếng. Những môn kỹ năng thì có thêm 1 buổi thực hành 1.5 tiếng tại phòng máy tính. Tổng thời gian trên lớp cho 5 môn học khoảng 15 tiếng/ tuần. 5 môn mình đang học trong học kỳ này là:
- Lập trình ứng dụng truyền thông (Multimedia Programming): môn này trang bị cho sinh viên kỹ năng lập trình website, viết code bằng ngôn ngữ Javascript để thiết kế các hiệu ứng tương tác cho website và các ứng dụng số (apps).
- Thiết kế tương tác – Trải nghiệm người dùng (Interaction Design hay còn được gọi là UI/UX – User Experience): môn này dạy sinh viên các tiêu chuẩn đang được ứng dụng bởi Google và Apple trong thiết kế giao diện 1 website và ứng dụng di dộng. Mục tiêu của môn học là giúp sinh viên hiểu rõ các nguyên tắc khoa học về hành vi người dùng, để thiết kế ra những trải nghiệm số thú vị và thoải mái nhất cho khán giả.
- Nguyên tắc diễn hoạt (Principles of Animation): môn học đào sâu về các chuyển động thông qua 12 nguyên tắc do Disney giới thiệu. Vận dụng các nguyên tắc này giúp tạo ra những chuyển động 2D/3D hợp lý, đẹp mắt và tạo hiệu ứng thị giác thật nhất cho người xem.
- Các nền tảng truyền thông số (Digital Media Platforms): môn học này hướng dẫn sinh viên cách tối ưu hoá sản phẩm truyền thông cho các mạng xã hội khác nhau, bằng nhiều định dạng từ âm thanh, hình ảnh đến video để đem lại hiệu quả cao nhất cho chiến dịch truyền thông.
- Kinh doanh trong Truyền thông Số (Business of Digital Media): đây là môn lý thuyết giúp trang bị cho sinh viên kiến thức về các hoạt động kinh doanh truyền thông và thực tế ứng dụng Truyền thông số trong các doanh nghiệp và của các nhãn hàng.

Tháng 02/2020 – Cổng trường Griffith College Dublin – Nơi mình hiện đang theo học.
-
CÁC DỰ ÁN THỰC HÀNH:
Chương trình học của Griffith College nghiêng nhiều về ứng dụng thực hành. Môn nào cũng có từ 2-3 bài tập cá nhân hoặc làm việc nhóm. Trong học kỳ đầu tiên, mình đã có các bài tập như sau:
- Viết code để vẽ tranh về một con vật bất kỳ, vẽ một hoạ tiết trang trí ngẫu nhiên và viết một ứng dụng mini cho phép người tương tác được bằng cả chuột và bàn phím.
- Sản xuất một podcast nói về ảnh hưởng của Social Media đến một ngành nghề cụ thể.
- Sản xuất một vlog về ảnh hưởng của social media.
- Thực hiện 1 chiến dịch truyền thông cho 1 nhãn hàng nước giải khát.
- Sản xuất 1 video hoạt hình sử dụng hiệu ứng Stop Motion, ứng dụng 12 nguyên tắc diễn hoạt được giới thiệu bởi Disney.
- Viết 2 bài viết luận cho môn lý thuyết. Mỗi bài khoảng 3,000 từ.
- Nghiên cứu và thiết kế một ứng dụng điện thoại, giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn.
-
YÊU CẦU ĐỌC TÀI LIỆU:
Tổng thời gian đến lớp cho 5 môn học chỉ có 15 tiếng/ tuần. Thế nhưng, yêu cầu bài tập của thầy cô khá cao. Vì vậy, sinh viên cần phải tự nghiên cứu khá nhiều tài liệu khác nhau để đáp ứng được yêu cầu khắc khe của bài tập. Theo cá nhân mình thấy thì phương pháp đào tạo này khá hiệu quả vì trải nghiệm học của mình tự trở nên chủ động hơn rất nhiều.
Ví dụ: để hoàn thành bài tập sản xuất vlog về ảnh hưởng của social media. Mình đã dành gần 1 tuần để tìm kiếm tài liệu và đọc rất nhiều báo cáo khác nhau về tình hình phát triển của mạng xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài. Việc tìm kiếm tài liệu này đã giúp mình tìm thấy một báo cáo rất chi tiết và hữu ích về bức tranh social media tại Việt Nam của WE ARE SOCIAL: Digital 2020 report – Vietnam.
Mình đã chọn ra các thông tin ấn tượng nhất về Social Media của Việt Nam và tóm tắt lại trong vlog này:
Bài tập sản xuất vlog của môn Digital Media Platform
-
CẢM NHẬN CỦA MÌNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ TẠI GRIFFITH COLLEGE:
Áp lực tự học tuy khá cao nhưng chẳng những không làm mình thấy nản, mà ngược lại còn khiến mình rất hứng thú. Mình nghĩ một phần quan trọng là do cách đặt vấn đề và truyền cảm hứng của các thầy cô ở trường #GriffithCollege. Câu chuyện truyền cảm hứng nhất với mình là từ thầy Ruairi – môn Multimedia Programming. Trước đây, mình chưa bao giờ nghĩ mình có thể viết được code. Cứ nghe đến code là mình đã “chùn bước”. Cách tiếp cận với lập trình máy tính của thầy Ruairi đã khiến mình thay đổi hẳn quan điểm. Đó là: “Học code cũng giống học tiếng anh”.
Làm sao có thể vậy được? Thầy giải thích: học tiếng anh là để giao tiếp với người nước ngoài, thì học code là để trò chuyện với máy tính. Như bất kỳ ngôn ngữ nào khác, ngôn ngữ máy tính cũng có từ vựng, cấu trúc câu, và ngữ pháp chấm phẩy. Vì thế, quan trọng nhất là phát triển từ vựng. Biết càng nhiều từ vựng thì càng dễ dàng diễn đạt mệnh lệnh cho máy tính hiểu. Viết code cũng giống như viết văn. Cũng có thể học để có thể viết gọn gàng, súc tích, rõ nghĩa. Không biết từ nào thì cũng có từ điển để tra giống như học tiếng anh. Cứ thế dần dần sẽ nâng cao được khả năng nói chuyện với máy tính.
Cách hướng dẫn này giúp mình hiểu ra được cách học coding và tin rằng mình có thể học được code như đã từng học tiếng Anh.
Đây là kết quả sau 2 tuần đầu mình mày mò học code tại Griffith College:
Bài tập vẽ tranh bằng lập trình code của môn Multimedia Programming
Hiện tại, sau 3 tháng, mình đã có thể tự lập trình được mini app đầu tiên nhờ vào những viên gạch coding được thầy Ruairi đặt nền móng:
Bài tập thiết kế và lập trình phần mềm máy tính bằng ngôn ngữ Javascript
Các bạn có thể trải nghiệm sử dụng app mình viết tại đây:
https://duhoccungjustin.com/d%E1%BB%B1-%C3%A1n%3A-share-positivity
MỘT SẢN PHẨM KHÁC MÌNH ĐÃ THỰC HIỆN TẠI GRIFFITH COLLEGE:
Đây là video hoạt hình ứng dụng hiệu ứng Stopmotion. Video được tạo nên từ 1.200 tấm ảnh chụp từng chuyển động nhỏ theo nguyên tắc diễn hoạt được Disney giới thiệu. Video là câu chuyện do mình tự viết về Cỏ Ba Lá – biểu tượng may mắn của người Ai Len.
Bài tập sản xuất video Stop Motion của môn Theory and Principle of Animation
Nghe có vẻ chương trình học khá nặng nhưng các bạn đừng quá lo lắng. Nếu tập trung và sắp xếp thời gian khoa học, thì cuối tuần vẫn có thể dành 1 ít thời gian đi thăm thú Ireland được đó. Bởi vì, trải nghiệm du học Châu Âu có lẽ sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi việc khám phá vẻ đẹp cổ kính của châu lục này phải không?
Mời các bạn cùng mình điểm qua 1 số địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Dublin, nơi mình đang theo học nhé tại đây nhé:
Vlog về các địa điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố Dublin, nơi mình đang sống và học tập.
Văn phòng Hà Nội: Tầng 3, toà nhà MB, 144 Đội Cấn, Ba Đình
Điện thoại: 097 988 8846Email: info@tec.edu.vn |
Văn phòng TP.HCM: Tầng 3, toà nhà Qunimex, 28 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3
Điện thoại: 093 610 5567Email: tec-hcm@tec.edu.vn |